Góp ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp vào NSNN
Chủ nhật - 17/11/2019 19:36
Chính phủ vừa qua đã trình Dự thảo Nghị quyết của QH về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp vào NSNN. Việc ban hành Nghị quyết này là cần thiết, bởi các đối tượng nợ đọng thuế gồm những người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, người nộp thuế chấm dứt hoạt động kinh doanh không có khả năng nộp thuế vào NSNN. Mặc dù những khoản nợ thuế này thuộc về ngân sách nhà nước nhưng đó lại là những con số ảo, không thu được. Vì vậy, cần phải làm thủ tục khoanh nợ, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp để kịp thích nghi với Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Tuy nhiên cần làm rõ một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, Đối tượng được hưởng xóa nợ thuế
Mục 3: Tác động đến ngân sách nhà nước, quy định: “Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của các đối tượng được khoanh nợ (người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, không còn hoạt động SXKD, đang làm thủ tục giải thể, phá sản, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh), dự kiến khoảng 15.779 tỷ đồng”. Với quy định này ngoài người nộp thuế đã chết, mất tích, còn bao gồm các đối tượng mất năng lực dân sự, đã tự phá sản, giải thể, người nộp thuế chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh.
Cần phải nghiên cứu và xem xét các đối tượng làm thủ tục giải thể, phá sản nhưng nhưng lại có thể thành lập lại doanh nghiệp với tên khác và do người của họ đứng tên, điều này không dễ phát hiện. Bởi số tiền được xét xóa nợ tiền phạt, tiền chậm nộp liên quan đến đối tượng này là không nhỏ, chiếm tỷ trọng 96,5% trong tổng số tiền xử lý nợ (16.357 tỷ đồng). theo báo cáo có 1.227 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền nợ thuế là 362 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp chỉ 162 tỷ đồng. Như vậy, chủ yếu những đối tượng còn lại trong diện được xét gồm: doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định (số tiền nợ thuế là 2.230 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 1.028 tỷ đồng); người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh không hoạt động tại địa chỉ đăng kí kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng kí với cơ quan thuế (số tiền nợ thuế là 24.194 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 10.065 tỷ đồng); hay những người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh (số tiền nợ thuế là 9.468 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 4.168 tỷ đồng);…
Việc xử lý nợ vừa tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng cũng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế. Vấn đề đặt ra là các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế đã được xóa nợ lại quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới với danh nghĩa người khác (tức là người khác đứng tên trên giấy tờ) thì phải xử lý như thế nào? (bởi trong tờ trình của Chính phủ chỉ đề cập việc hủy quyết định xóa nợ và nộp vào NSNN số nợ đã xóa đối với người nộp thuế quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh với danh nghĩa của họ).
Thứ hai, số tiền xóa nợ là rất lớn nên Dự thảo Nghị quyết cần nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân khi để xảy ra việc xóa nợ thuế sai đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hoặc lợi ích nhóm, làm thiệt hại ngân sách nhà nước.
Thứ ba, một trong những đối tượng được đề xuất xử lý tiền thuế nợ đó là người đã chết. Song, thực tế có trường hợp người chết nhưng vẫn có người thừa kế pháp lý, nghĩa là vẫn tồn tại. theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, điều 615 về Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, tức là vẫn còn các nghĩa vụ tài sản chưa thực hiện như các khoản nợ, thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước, tiền phạt,... như vậy, trường hợp này doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm nộp thuế, chứ không phải chủ doanh nghiệp chết rồi thì được xoá nợ thuế. Chỉ trừ trường hợp người thừa kế từ chối nhận di sản thì các trường hợp còn lại đều phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thay người để lại di sản.
Thứ tư, ngoài trách nhiệm của những người liên quan có trách nhiệm liên quan như trong dự thảo Nghị quyết đề nghị để việc xác định đối tượng được xóa nợ phạt chậm nộp chính quyền các địa phương cần thành lập Hội đồng tư vấn và kiểm toán xóa nợ thuế. Với các cục thuế địa phương thì cơ quan thuế là đơn vị đề xuất xóa nợ thuế, nhưng hội đồng xét duyệt xóa nợ thuế phải đầy đủ các thành phần bao gồm Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn thể liên quan và người đứng đầu, có tiếng nói quyết định. Điều này tạo thuận lợi cho việc xét duyệt chính xác, khách quan và hợp lý mức thuế cần xóa nợ.
Việc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và đảm bảo điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Thực hiện xóa nợ thuế cần công khai, minh bạch, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, giám sát của người dân./. Phòng QLNCKH