HỘI THẢO KHOA HỌC NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH HÀ TĨNH PHÙ HỢP VỚI CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ

Thứ năm - 14/05/2020 21:57
HỘI THẢO KHOA HỌC NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH HÀ TĨNH PHÙ HỢP VỚI  CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ
Sáng ngày 14/5/2020, tại Trường Đại học Hà Tĩnh đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Tĩnh phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh Hà Tĩnh, đại diện một số sở ban ngành, huyện, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cùng lãnh đạo các khoa, phòng, trung tâm trường Đại học Hà Tĩnh.
Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh Đoàn Hoài Sơn chủ trì hội thảo. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền cùng dự.
Hội thảo tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong bối cảnh cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch giữa các lĩnh vực; định hướng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong những năm tiếp theo.
Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, mục tiêu trong 10 năm tổ chức đào tạo được 3 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, sau đào tạo có ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ.
TS Đoàn Hoài Sơn: LĐNT cần phải tham gia học nghề, bồi dưỡng các kĩ năng để có cơ hội tìm việc làm, tạo sự ổn định cho phát triển đô thị công nghiệp trong tương lai
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Đoàn Hoài Sơn – Hiệu trưởng trường ĐHHT, mong muốn Hội thảo lần này sẽ đón nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cácnhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các doanh nghiệp… để Hội thảo khoa học có chất lượng và ý nghĩa thiết thực nhất và đặc biệt hy vọng sự hợp tác giữa trường Đại học Hà Tĩnh và Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh ngày càng gắn bó bền chặt hơn trên tất cả các lĩnh vực.
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn​: chất lượng LĐNT là một trong những động lực phát triển kinh tế tỉnh
Đại diện đơn vị đồng tổ chức hội thảo, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng đoàn, phụ trách Đoàn ĐBQHHT đã nhấn mạnh phát triển nguồn lao động là một trong những giải pháp có tính chiến lược trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn sang sản xuất hàng hóa phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời mong muốn các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các doanh nghiệp,… chia sẻ những quan điểm thực tiễn liên quan đến vấn đề đào tạo nghề, hiệu quả đào tạo nghề tại địa phương;
TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ: định hướng đào tạo nghề cần phải dựa trên xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Các báo cáo tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề cơ bản như: cơ cấu kinh tế, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực trạng lao động nông thôn, đào tạo nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp Hà Tĩnh trong vấn đề đào tạo nghề và tuyển dụng; Hợp tác đào tạo với các trường dạy nghề với nhằm nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên; Giải pháp nâng cao chất lượng chương trình đào tạo Nghề cho lao động nông thôn theo hướng Chuỗi giá trị sản phẩm ở Hà Tĩnh và giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn Hà Tĩnh phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
TS. Hồ Thị Nga -  Hợp tác đào tạo với các trường dạy nghề nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên
Tại hội thảo, các ý kiến đánh giá các kết quả đạt được của tỉnh trong vấn đề ban hành khá nhiều chính sách để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 14 chương trình, đề án, 5 chính sách trên lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm lo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; huy động 425 tỷ đồng đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề. Sau 10 năm triển khai, tỉnh đã đào tạo được gần 64 ngàn LĐNT; đào tạo xuất khẩu lao động, giáo dục định hướng từ 5.000-6.000 người/năm (riêng năm 2018 gần 9.000 người) và thực hiện đào tạo nghề theo các dự án ODA, chương trình mục tiêu quốc gia khác.
TS. Nguyễn Xuân Ninh - Các trường dạy nghề cần có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp ở Hà Tĩnh trong đào tạo nghề và tuyển dụng nguồn nhân lực
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt thì công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như: Nhiều cơ sở đào tạo nghề còn yếu kém, cơ sở vật chất còn nghèo nàn; Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề của một số đơn vị đào tạo nghề vẫn còn thiếu về số lượng và còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng thực hành nghề; Một số nơi chưa thực hiện tốt việc khảo sát nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề của lao động nông thôn, từ đó chưa phát huy việc đào tạo nghề nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động; vấn đề hợp tác giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp chưa tốt; Việc đào tạo gắn với các hợp tác xã, doanh nghiệp, đào tạo cho lao động trong vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghệ cao, …
Ths. Nguyễn Thị Hương Giang: Chương trình dạy nghề cho LĐNT cần theo hướng Chuỗi giá trị sản phẩm
Từ những vấn đề nêu trên, các đại biểu dự đã đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; tập trung cao xã hội hóa công tác đào tạo nghề; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo quy định; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và cơ quan quản lý chuyên môn về giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo tính công khai minh bạch, chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nghề. 
Ths. Nguyễn Thị Kim Nhung, Trường Đại học Hà Tĩnh: giải pháp đào tạo nghề cho LĐNT cần gắn với định hướng phát triển KTXH của Nhà nước và tỉnh
Các cơ sở GDNN cần chủ động xác định số lượng nghề đào tạo, quy mô đào tạo trên cơ sở năng lực của các nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp; có sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo; các doanh nghiệp cần phải có chiến lược, kế hoạch phát triển nhân lực phù hợp với chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở GDNN, HSSV; bổ sung một số cơ chế chính sách phù hợp để huy động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề…
Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở LĐTBXH Đặng Văn Dũng: cần phải có định hướng và giải pháp đào tạo và tái sử dụng lại lực lượng lao động xuất khẩu
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền đánh giá cao những tham luận sâu sắc của các đại biểu, các tham luận đã chỉ rõ được những kết quả, khó khăn, tồn tại và nêu nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền: Nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách về đào tạo nghề cho LĐNT
Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần nghiên cứu kỹ các chủ trương, chính sách của Trung ương, đặc biệt là văn kiện sắp tới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII để tiếp cận với phương hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm thay đổi phù hợp trong đào tạo nghề cho LĐNT; ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm sau đào tạo. Làm rõ hơn các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho LĐNT gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nghiên cứu sâu và tham mưu cho tỉnh những chính sách phù hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay553
  • Tháng hiện tại4,870
  • Tổng lượt truy cập2,820,785
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây