Hiện nay, bất cứ một trường đại học nào cũng đều có hai nhiệm vụ chính và quan trọng nhất đó là: Đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH). Đây là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược của nhà trường, trong đó việc thúc đẩy giảng viên nhà trường tích cực tham gia các hoạt động NCKH là một trong những biện pháp quan trọng - bắt buộc - cần thiết để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội. Thực tiễn cho thấy rằng, NCKH và giảng dạy có mối quan hệ hữu cơ với nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho nhau. NCKH tạo cơ sở, điều kiện, tiền đề nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy ở trên lớp. Ngược lại, công tác giảng dạy phản ánh kết quả của hoạt động NCKH. Do vậy, có thể khẳng định rằng, cùng với hoạt động giảng dạy, NCKH là thước đo năng lực chuyên môn của giảng viên.
Trường ĐHHT hiện có 33 đơn vị trực thuộc gồm 08 khoa, 02 bộ môn, 10 phòng, 06 trung tâm, 02 trường trực thuộc, 01 ban, 04 tổ chức đoàn thể. Toàn Trường có 365 cán bộ, GV và nhân viên. Đội ngũ GV cơ hữu gồm 219 người, trong đó có 01 GS, 02 PGS, 22 tiến sỹ, 156 thạc sỹ và 38 GV có trình độ đại học. Nhà trường hiện đang đào tạo 14 ngành học ở bậc TCCN, 17 ngành học ở bậc cao đẳng, 26 ngành học ở bậc đại học, chưa có đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ.
Trong những năm qua, Trường ĐH Hà Tĩnh đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về quản lý các hoạt động liên quan đến NCKH trong cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn trường. Đối với giảng viên, ngoài công tác giảng dạy, hoạt động NCKH luôn được gắn liền với biên soạn các bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo môn học; chủ trì đề tài NCKH các cấp; viết bài cho tạp chí, hội nghị, hội thảo trong và ngoài trường. Đối với sinh viên, hoạt động NCKH gắn với nghiên cứu đề tài, làm tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp,…
1. Kết quả thực hiện hoạt động KH&CN của Nhà trường
Từ năm 2015-2018, cán bộ, giảng viên của Nhà trường đã và đang thực hiện 60 đề tài, trong đó có: 01 đề tài cấp Nhà nước, 07 đề tài cấp Bộ, 07 đề tài cấp tỉnh, 45 đề tài cấp cơ sở (trong đó đã nghiệm thu 23 đề tài, 5 đề tài không hoàn thành). Nhà trường đã tổ chức được 05 Hội thảo khoa học quốc tế, trong đó có 01 hội thảo được tổ chức tại Thái Lan, 01 Hội thảo cấp quốc gia, 05 hội thảo cấp trường. Các hội thảo, diễn đàn cấp khoa, bộ môn được tổ chức hàng năm bởi các khoa, bộ môn. Ngoài ra trường ĐH Hà Tĩnh phối hợp với các trường đại học, viện nhiên cứu trong và ngoài nước tổ chức 03 Hội thảo khoa học cấp quốc tế, quốc gia.
Đối với tài liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã biên soạn và xuất bản 35 giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo, tài liệu học tập. Trong đó có một số giáo trình được nhiều trường trong cả nước sử dụng. Các gảng viên tiếp tục viết 26 giáo trình, tài liệu tham khảo được đăng kí triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020.
Đối với các bài báo khoa học, giai đoạn 2015 - 2018 có gần 450 bài báo đăng ở các tạp chí có chỉ số trong và ngoài nước, trong đó có 23 bài được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín ISI và Scopus; Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, giảng viên tích cực viết bài tham dự các Hội thảo, Hội nghị khoa học quốc tế và quốc gia được tổ chức trong và ngoài nước, có 747 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế, quốc gia và cấp trường và Tham gia báo cáo tại các Hội nghị, Hội thảo.
Hoạt động NCKH của sinh viên cũng được cải thiện đáng kể. Từ năm 2015 – 2018 Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp khoa được tổ chức hàng năm. Nhà trường đã lựa chọn nhiều công trình có chất lượng tham gia dự thi ở các cấp cao hơn và các cuộc thi sáng tạo dành cho sinh viên; 9 sinh viên có bài báo được đăng, 121 sinh viên viết bài trên các kỷ yếu Hội nghị, Hội thảo trong và ngoài nước; 01 sinh viên được nhận giải thưởng sinh viên sáng tạo cấp Bộ, 140 sinh viên tham gia vào đề tài sinh viên NCKH cấp trường. Năm 2018, nhóm sinh viên Lào tham dự giải thưởng Euréka do Thành đoàn TPHCM tổ chức và đạt giải khuyến khích.
2. Một số hạn chế và nguyên nhân trong hoạt động KH&CN
Mặc dù kết quả NCKH đạt được của nhà trường là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn có những bất cập, hạn chế sau:
- Những năm gần đây giảng viên đã nhận thức được tầm quan trọng của NCKH, tuy nhiên, hầu hết giảng viên đều chưa thực sự chủ động đưa ra các đề tài để nghiên cứu. Nhiều đề tài được nghiên cứu dựa trên các mô hình đã được nghiên cứu từ trước, hoặc chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của chính bản thân giảng viên, hoặc nhu cầu của môn học, ngành học và nhu cầu của thực tiễn.
- Nhân lực chất lượng cao của trường hiện nay còn rất thấp. Mặc dù tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ nhà trường thu hút nhân lực nhưng hiệu quả còn khiêm tốn. Số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, trên tiến sĩ của trường gần đây sụt giảm khá mạnh, trước thời gian kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục năm 2017, nhà trường có số lượng là 25 người, vì nhiều lý do như chuyển công tác, nghỉ hưu,… cho đến thời điểm hiện tại còn khoảng 17 người. Bên cạnh đó, còn tồn tại một bộ phận giảng viên chưa nắm vững phương pháp nghiên cứu khoa học, cách tìm tài liệu tham khảo, thậm chí, chưa nắm vững xây dựng đề cương, chưa chú ý tìm hiểu cách trình bày một công trình nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, do còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, nên việc tham khảo tài liệu bị hạn chế, có giá trị sử dụng chưa cao và nội dung của các công trình nghiên cứu còn chưa phong phú.
- Có thể khẳng định rằng, nguồn thu nhập chính yếu của các giảng viên đại học hiện nay đến từ việc giảng dạy. Việc NCKH vừa tốn nhiều thời gian, công sức, trong khi thu nhập lại ít ỏi. Thực tế, nhiều giảng viên chú trọng vào việc dạy vượt quá số giờ quy định để tăng thêm thu nhập. Do vậy, giảng viên “lãng quên” NCKH là điều dễ hiểu.
- Kinh phí phục vụ cho những đề tài NCKH của giảng viên không nhiều. Đây là điểm bất cập, gây khó khăn cho công tác phát triển NCKH trong giảng viên. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học chưa đồng đều, thiếu chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực và chưa đủ sức đảm nhiệm các nhiệm vụ nghiên cứu có tầm cỡ.
- Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực nghiệm còn thiếu thốn nên dẫn đến giảng viên không chủ động được kế hoạch nghiên cứu của mình, nếu sử dụng cơ sở vật chất bên ngoài thì kinh phí eo hẹp sẽ không đáp ứng nổi.
3. Đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học
Để hoạt động NCKH của giảng viên nhà trường đạt được kết quả tốt hơn – góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thiết nghĩ cần phải có sự kết hợp và triển khai một cách đồng bộ một số giải pháp sau:
3.1. Về phía nhà trường
- Cần tiếp tục hoàn thiện quy trình quản lý, quy trình tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài khoa học. Hàng năm Hội đồng khoa học của Trường, của khoa phải có tổng kết, đánh giá và đưa ra định hướng, các ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu khoa học cho năm tiếp theo. Ưu tiên những nghiên cứu có sản phẩm được ứng dụng vào phục vụ giảng dạy và sản phẩm mang tính thực tiễn phục vụ đời sống.
- Tăng cường hợp tác với các trường, các viện nghiên cứu nhằm trao đổi chuyên môn và hợp tác nghiên cứu. Xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên đề tập hợp giảng viên ở các khoa, bộ môn khác nhau cùng nhau nghiên cứu. Khuyến khích giảng viên học tập nâng cao trình độ, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Hàng năm, khuyến khích giảng viên và sinh viên đề xuất các ý tưởng nghiên cứu và thông qua hội nghị khoa học của khoa, trường cùng hoàn thiện ý tưởng và xây dựng đề tài nghiên cứu. Hội nghị khoa học cấp khoa định kỳ cần tận dụng nguồn nhân lực có trình độ và có thâm niên trong nghiên cứu khoa học, tiến sĩ, nghiên cứu sinh tổ chức các buổi báo cáo các chuyên đề nghiên cứu cho giảng viên trẻ, sinh viên cùng tham gia thảo luận và làm quen với NCKH.
- Nhà trường cần nâng kinh phí cho các đề tài NCKH của giảng viên. Ngoài nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, nhà trường nên chủ động hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức quốc tế nhằm thu hút nguồn kinh phí tài trợ cho hoạt động NCKH của giảng viên, vừa giúp các đề tài có tính ứng dụng cao hơn.
- Nhằm tạo điều kiện tìm kiếm, khai thác thông tin, nhà trường nên đầu tư xây dựng phát triển Trung tâm thông tin thư viện, cần công bố các báo cáo đề tài, các công trình khoa học của cán bộ, giảng viên nhà trường thành dữ liệu trực tuyến có thể tra cứu. Đầu tư kinh phí hàng năm để mua tài khoản truy cập các dữ liệu điện tử quốc gia, quốc tế để giảng viên có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin phục vụ nghiên cứu. Cần bố trí phòng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học, công nghệ của giảng viên, sinh viên nhà trường, gồm các sản phẩm: sách, giáo trình, quy trình công nghệ, mô hình, sản phẩm nghiên cứu,… nhằm phục vụ sinh viên học tập, khách tham quan.
- Cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy của các ngành thuộc khối kỹ thuật, khoa học tự nhiên. Xem xét đầu tư, nâng cấp phòng thí nghiệm, thực hành trực thuộc trường. Trong lúc nhà trường chưa đầu tư được, cần tìm kiếm và xây dựng cơ chế phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh (Sở TNMT, Sở NN&PTNT, Sở KH&CN), các trường đại học, cao đẳng có trang thiết bị, phòng thí nghiệm để cùng tham gia giảng dạy, nghiên cứu.
- Đối với một số ngành có ít giờ giảng do ít sinh viên hoặc do thay đổi nội dung chương trình đào tạo nên giảng viên không có giờ giảng đủ định mức. Vì vậy, nên có chính sách lấy giờ khoa học bù cho giờ giảng nếu giảng viên bị thiếu giờ do khách quan. Việc này tạo điều kiện cho giảng viên hoàn thành định mức giảng dạy trong năm khi đánh giá, xếp loại giảng viên hàng năm.
- Chú trọng gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ NCKH của giảng viên với công tác bố trí, sử dụng cán bộ. Cụ thể, nên có chính sách ưu tiên trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đối với giảng viên, cán bộ công nhân viên có thành tích xuất sắc trong công tác NCKH; trong tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lại cần phải có tiêu chí về đề tài NCKH. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng đề xuất các chế độ khen thưởng kịp thời đối với giảng viên tham gia NCKH, đặc biệt là các giảng viên đạt thành tích, cụ thể như: Tặng giấy khen, tiền thưởng, tiêu chuẩn để bình xét thi đua.
3.2. Kiến nghị, đề xuất với UBND Tỉnh
Nhà trường cần UBND tỉnh có chính sách ưu tiên cho trường ĐH Hà Tĩnh, để trường trở thành trung tâm NCKH chất lượng hàng đầu của tỉnh, cụ thể:
- Tỉnh cần có chính sách đột phá, tạo môi trường làm việc thuận lợi nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao về trường làm việc, đặc biệt là ưu tiên nhân lực được đào tạo từ nước ngoài.
- Cần hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm cho nhà trường hoặc tạo cơ chế phối hợp giữa nhà trường với các đơn vị trong tỉnh nhằm tập trung nguồn lực về con người cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy.
- Có chính sách hỗ trợ các nghiên cứu có tính ứng dụng, áp dụng được trong thực tế. Ưu tiên đầu tư kinh phí để nhà trường tiến hành sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm có thể ứng dụng vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh.
- Hàng năm có sự ưu tiên và phân bổ các nhiệm vụ nghiên cứu, dự án khoa học công nghệ của tỉnh đối với trường ĐH Hà Tĩnh. Hỗ trợ kinh phí và phối hợp với nhà trường tổ chức và triển khai các hoạt động đề xuất các ý tưởng sáng tạo NCKH.
- Cần cơ cấu trường đại học Hà Tĩnh là một trong những đại diện của các tổ chức, hoạt động liên quan đến hoạt động KHCN và tham gia vào các đề tài, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
4. Kết luận
Hoạt động NCKH của giảng viên là một hoạt động rất quan trọng trong việc biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực đồng thời cho ra những sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường còn cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh và sự chung sức của các cơ quan, đơn vị trong tình nhằm nâng cao chất lượng cũng như đẩy mạnh hoạt động KH&CN của nhà trường.
TS. Trần Viết Cường