Truyền thông - phần tất yếu của phát triển khoa học và công nghệ

Chủ nhật - 23/12/2018 05:23
Truyền thông - phần tất yếu của phát triển khoa học và công nghệ

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ (KH&CN) của các đại biểu tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả truyền thông KH&CN” vào chiều 14/12/2018, tại TP. Đà Nẵng cho thấy sự coi trọng truyền thông là hoạt động không thể thiếu trong chiến lược phát triển KH&CN Quốc gia.
anh2 t12

Tham dự hội thảo có ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN); bà Võ Thị Kim Phượng, Đại diện Đài Phát thanh và truyền hình Đà Nẵng; ông Trương Điện Thắng - Phó Giám đốc Cổng thông tin điện tử Thành phố. Về phía Sở KH&CN Đà Nẵng có bà Vũ Thị Bích Hậu - Phó giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng; ông Trần Đình Tuấn - Giám đốc Trung tâm thông tin KH&CN và hơn 50 đại biểu đến từ các quận, huyện, các Sở, ban ngành, báo đài, trường đại học,… Truyền thông KH&CN có vai trò quan trọng góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới. Sứ mệnh của truyền thông KH&CN là làm sao truyền bá được văn hóa yêu khoa học đến với công chúng, xây dựng xã hội trọng khoa học, và phát triển đất nước dựa vào KH&CN. Đặc biệt, truyền thông cần hướng đến mở rộng văn hóa khoa học đó là cung cấp các kiến thức và cơ hội trải nghiệm khoa học, kĩ thuật tiên tiến cho thế hệ trẻ; truyền lửa, chắp cánh, kết nối tình yêu khoa học giữa các nhà nghiên cứu với thế hệ trẻ. Nhiều nước trên thế giới đã chú trọng làm truyền thông KH&CN từ rất lâu, bài bản. Họ coi truyền thông KH&CN là một trong những động lực, điều kiện quyết định thành công của hoạt động KH&CN, cũng như đưa nhanh các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, hướng đi của các nước này đã khẳng định sự đúng đắn khi hàng loạt các kết quả nghiên cứu được toàn xã hội biết đến và khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN cho biết: để trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới chỉ với khoảng 25 triệu dân, Chính phủ Australia luôn đặt KH&CN là nền tảng, trong đó truyền thông KH&CN là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KH&CN. Từ Thủ tướng Chính phủ đến người đứng đầu các cơ quan quản lý, tổ chức KH&CN, cơ quan truyền thông đại chúng, doanh nghiệp... đều ủng hộ công tác truyền thông KH&CN. 

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu của công chúng về truyền thông KH&CN ngày càng tăng xuất phát từ chính nhu cầu của cộng đồng khoa học và xã hội. Theo Burns - nhà nghiên cứu về truyền thông của Australia, truyền thông KH&CN có một phần quan trọng trong xã hội hiện đại. Hoạt động truyền thông KH&CN không chỉ đơn giản là việc các nhà khoa học nói nhiều hơn về công việc của họ hoặc tạo ra các sự kiện khoa học hấp dẫn, mà nó còn mang đến sự ủng hộ của công chúng cho hoạt động KH&CN. 

Ở một khía cạnh khác, Bultitude - một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng của Pháp lưu ý rằng, nhiều nhà khoa học tham gia hoạt động truyền thông KH&CN là do yêu cầu xã hội, chứ không phải do thể chế, và lý do phổ biến nhất khi thông tin KH&CN được cung cấp bởi chính các nhà khoa học là đảm bảo rằng công chúng có được thông tin tốt hơn về KH&CN. Còn Dickson - chuyên gia về truyền thông KH&CN của UNESCO lại khẳng định, truyền thông KH&CN là một thành phần thiết yếu trong chiến lược phát triển và tất cả các bên liên quan phải có quyền biết thông tin KH&CN. Mark Wolpork - Cố vấn khoa học của chính phủ vương quốc Anh (2013- 2017) cho rằng Khoa học không thể thành công trừ khi nó được truyền thông. Chuyên gia truyền thông KH&CN của Thụy Điển - Riise chỉ ra rằng, các tổ chức tài trợ nghiên cứu đều yêu cầu bên nhận tài trợ đề ra kế hoạch truyền thông kết quả đạt được, đây là một phần bắt buộc của các đề xuất nghiên cứu. Các trường đại học cũng nhận thức được việc truyền thông các kết quả nghiên cứu mới đã giúp họ tăng tính cạnh tranh, thu hút sinh viên và tạo dựng uy tín trong xã hội. “Truyền thông là trái tim của khoa học, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc công bố kiến thức mới và truyền bá tri thức đến các nhà khoa học và phổ biến ra xã hội” – TS. Myrtani Pieri, người từng đoạt giải nhất trong cuộc thi truyền thông khoa học quốc tế FameLab năm 2011 nói. 

Tại nhiều nước phát triển như Anh, Pháp, Đức…, ngoài việc thành lập các trung tâm truyền thông KH&CN, họ còn thiết lập các hiệp hội - bao gồm cả nhà báo và nhà khoa học - cùng làm việc, gặp gỡ để hiểu biết về nhau hơn. Đặc biệt, các quốc gia này đã chú trọng tới việc đào tạo các nhà khoa học tương lai như học sinh, sinh viên những kỹ năng truyền thông. 

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi phát triển KH&CN, đưa KH&CN trở thành động lực then chốt để phát triển đất nước bền vững. Trong đó, công tác truyền thông KH&CN có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển KH&CN; thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KH&CN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội,… Hoạt động này đã được khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Luật KH&CN năm 2013 sửa đổi (Điều 48 của Luật đã quy định về hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN). 

Tại Lễ trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN năm 2017, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: " Sát cánh cùng ngành KH&CN, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo khắp cả nước đã tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN. Năm 2017, đã có hàng ngàn tin, bài, phóng sự, tọa đàm,... liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của KH&CN đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng trung ương và địa phương. Báo chí, truyền thông có sức mạnh đặc biệt trong tất cả các lĩnh vực trong đó có KH&CN. Không chỉ là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, về những thành tựu khoa học, công nghệ mới, phát hiện những nhân tố điển hình mới mà còn có vai trò định hướng dư luận và là kênh tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân,… phục vụ việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Đây cũng là công cụ hữu hiệu, là cầu nối kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân ". 

Không thể phủ nhận vai trò của báo chí là cánh tay nối dài đưa khoa KH&CN đến với công chúng. Thế nhưng, con đường đưa báo chí trở thành cầu nối truyền thông không hề dễ dàng khi tiếp cận lĩnh vực này, đòi hỏi các nhà báo cần có hiểu biết chuyên sâu về KH&CN để chuyển tải những nội dung vốn khô khan trở thành vấn đề dễ hiểu, hấp dẫn với độc giả. Đây là một trong những thách thức của truyền thông KH&CN trên con đường thực hiện sứ mệnh của mình vì vậy cần được đẩy mạnh và đổi mới hơn nữa trong thời gian tới.
Theo CESTC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay578
  • Tháng hiện tại4,895
  • Tổng lượt truy cập2,820,810
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây